Skip to main content

Tình hình sản xuất lúa vụ Hè thu năm 2025 ở xã Ô Long Vĩ

     Theo thống kê của ngành nông nghiệp xã Ô Long Vĩ, tính đến ngày 12-5, lúa vụ Hè thu trên địa bàn xã đã xuống giống tổng diện tích 5.009 ha (đạt 100% so với kế hoạch xuống giống). Lúa hiện đang trong giai đoạn từ mạ, đẻ nhánh đến làm đòng (trong đó, lúa đang giai đoạn mạ 479,5ha, đẻ nhánh 3.443,8ha và đòng 1.085,7ha). Sinh vật hại trong tuần có ốc bươu vàng, chuột, đạo ôn lá,… gây hại nhẹ. 

     Hiện nay đang vào mùa mưa, cùng với điều kiện lúa đang ở giai đoạn mạ đến làm đòng. Ngành nông nghiệp xã dự báo một số dịch hại xuất hiện và gây hại trong thời gian tới như:

     Bệnh Đạo ôn lá. Bệnh đã xuất hiện trên trà lúa đẻ nhánh đến làm đòng. Nông dân cần phun thuốc đặc trị đạo ôn khi bệnh vừa xuất hiện, phun kỹ và pha thêm chất bám dính. Nếu thấy vết bệnh còn nhũn nước màu xanh cần phun thuốc lại lần 2. Nếu nhiễm nặng, tháo cạn, thay nước, bón vôi 20-25 kg/1.000m2. Ngưng bón phân đạm, cả phân bón lá có chứa đạm.

 

     Bệnh Cháy bìa lá và Sọc trong. Đối với lúa đang vào giai đoạn làm đòng cần phải phun thuốc đặc trị vi khuẩn như các hoạt chất: Streptomicin, Kasugamicin, Bronopol. Khi bị nhiễm nặng, phun lại lần 2 sau 7-10 ngày. Chỉ phun khi lá lúa đã khô ráo, pha thêm chất bám dính.

     Để phát hiện kịp thời và quản lý tốt dịch hại, ngành nông nghiệp khuyến cáo đến nông dân thường xuyên thăm đồng, kiểm tra dịch hại trên cây trồng để phát hiện sớm dịch hại, từ đó có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, bảo vệ năng suất, sản lượng vụ mùa.

      Cùng với công tác tổ chức sản xuất lúa vụ Hè thu, địa phương đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các tiêu chí thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao).

      Trong năm 2025, xã Ô Long Vĩ phấn đấu có trên 1.600 ha diện tích sản xuất đạt các tiêu chí của quy trình sản xuất theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Để tham gia Đề án, nông dân cần tuân thủ các quy trình kỹ thuật như không đốt rơm rạ mà xử lý bằng các giải pháp như thu gom rơm ra khỏi ruộng, hoặc xử lý chế phẩm vi sinh, khuyến khích bón kết hợp phân hữu cơ để giảm chi phí phân vô cơ; áp dụng tưới ngập khô xen kẽ; áp dụng quy trình canh tác “1 phải 5 giảm” về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm nước và áp dụng cơ giới hóa sau thu hoạch; tích cực tham gia các lớp tập huấn, khuyến nông, hội thảo về các quy trình, kỹ thuật canh tác phục vụ Đề án do ngành chuyên môn tổ chức. 

Trúc Mai – Thu Cúc