TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC VỆ SINH MÔI TRƯỜNG PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT
Hiện nay, vào mùa mưa cũng là thời điểm muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) gia tăng, là một trong những nguyên nhân gây nên dịch SXH. Vì vậy, vấn đề vệ sinh môi trường, nhất là ở địa bàn xã Ô Long Vĩ chúng ta cần đặc biệt quan tâm. Bởi đây là một trong những môi trường thuận lợi để dịch Sốt xuất huyết có điều kiện phát sinh, phát triển.
![1](/sites/default/files/inline-images/HINH%20MINH%20HOA%20SXH%201.jpg)
Theo Trạm y tế xã Ô Long Vĩ cho biết, từ đầu năm đến ngày 08/09/2023 toàn xã ghi nhận 09 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó ấp Long Hòa 04 ca, ấp Long An 02 ca, ấp Long Thịnh 02 ca và ấp Long Phước 01 ca. Thời tiết đang chuyển sang nóng ẩm, rất thuận lợi cho việc sinh nở của bọ gậy, làm bùng phát dịch sốt xuất huyết. Đây là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh chóng nhưng đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Xuất phát từ tình hình thực tế đó, ngay từ đầu năm 2023, Ban chỉ đạo phòng chống dịch xã Ô Long Vĩ đã chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch Sốt xuất huyết, chỉ đạo các ấp đặc biệt chú trọng công tác vệ sinh môi trường - một yếu tố có ảnh hưởng lớn đến dịch bệnh Sốt xuất huyết.
Công tác triển khai vệ sinh môi trường phòng chống dịch SXH đã được triển khai cụ thể đến tận hộ gia đình và người dân. Các ấp như: Long Hòa, Long Thịnh, Long An và Long Phước… là những ấp đã và đang thực hiện tốt công tác này. Định kỳ hàng tháng, bà con các ấp lại chủ động làm vệ sinh môi trường, ngăn chặn muỗi truyền bệnh Sốt xuất huyết.
Để phòng ngừa có hiệu quả dịch bệnh SXH, Bộ Y tế khuyến cáo: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; đối với thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân tủ; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ...; ngủ mùng, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt...
Hiện nay, bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy khi có biểu hiện của SXH như: sốt cao, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, ... cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, nhằm tránh biến chứng nguy hiểm. Mọi người hãy cùng thực hiện thông điệp “Không có bọ gậy, loăng quăng - không có SXH”./.
Cử nhân Dương Thanh Sơn
Trưởng Trạm Y tế xã Ô Long Vĩ